Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Thời gian thủ tục cấp điện được giảm tối đa

Một trong những chỉ số quan trọng đánh giá tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh và sản xuất đó là tiếp cận điện năng,

Phải mất 115 ngày để chủ doanh nghiệp Việt Nam có thể có được một đấu nối điện kèm theo đó là 6 thủ tục rườm rà và rắc rối

Trong khi đó, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Tập đoàn đã tiến hành phân tích đưa ra quy trình cấp điện trung áp để rút ngắn thủ tục với phương châm "3 dễ" (khách hàng dễ tiếp cận, dễ tham gia, dễ giám sát), tổng cộng 38 ngày chứ không còn là 115 ngày như báo cáo của WB. Cụ thể như EVN rà soát lại toàn bộ phân cấp, điều chỉnh nội bộ trong các tổng công ty và công ty điện lực; đồng thời xây dựng bộ quy trình kinh doanh sửa đổi 2014 với nguyên tắc "3 dễ" theo cơ chế "một cửa".

Trên thực tế, việc tiếp cận điện năng còn phụ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như: Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải trong việc thẩm tra thiết kế và cấp giấy phép xây dựng; Sở Cảnh sát PCCC địa phương và UBND huyện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Ðể giảm bớt thời gian làm thủ tục, EVN tham gia cùng Bộ Công thương xây dựng Thông tư 33/2014/TT-BCT Quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng với tổng số thời gian thực hiện của EVN và các cơ quan quản lý nhà nước là 36 ngày. Ðồng thời, xây dựng và triển khai phần mềm áp dụng thống nhất toàn Tập đoàn phục vụ cho việc cấp điện cho khách hàng. Theo đó, khách hàng có thể tra cứu tiến độ giải quyết trên trang mạng in-tơ-nét của các đơn vị điện lực. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hơn 4% số khách hàng có thời gian cấp điện hơn 70 ngày là do khách hàng hoàn chỉnh hồ sơ gửi cho các cơ quan thẩm quyền chậm; khách hàng thiếu vốn đầu tư ngừng thi công hoặc vướng mặt bằng. Trong khi đó, năng lực của một số đơn vị điện lực chưa đáp ứng hoặc một số địa phương lưới điện quá tải chưa thể cấp điện cho khách hàng khi phụ tải phát triển quá nhanh không theo quy hoạch.

Ðể tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, mới đây, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng tiếp tục giữ quy định công trình lưới điện trung áp không thuộc diện cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm tra thiết kế kỹ thuật và tổ chức kiểm tra nghiệm thu trong quá trình soạn thảo Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các Thông tư hướng dẫn. Ðối với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quy định không cần cấp giấy cam kết bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư các công trình điện đấu nối vào lưới điện trung áp. Ðồng thời giảm thời gian thẩm định, phê duyệt/cấp giấy phép liên quan đánh giá môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường cho các công trình điện ở cấp điện áp cao hơn trong quá trình hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 29/2011/NÐ-CP.

Riêng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Bộ Công thương cũng đề nghị sớm ban hành các quy định về thời hạn giải quyết đối với các thủ tục thỏa thuận vị trí cột/trạm điện và hành lang lưới điện, cấp phép thi công xây dựng công trình điện theo quy định tại Thông tư 33. Cùng với đó, EVN cũng đã đề xuất trình Bộ Công thương ban hành Thông tư rút ngắn thời gian và hiệu chỉnh hồ sơ yêu cầu thỏa thuận đầu nối. Bộ quy trình 18 ngày của EVN đã được phổ biến tới các đơn vị thành viên, đồng thời yêu cầu các đơn vị niêm yết quy trình thủ tục cấp điện, đưa lên Cổng Thông tin điện tử của các tỉnh, trang thông tin của các Sở, ban, ngành để tiện theo dõi, giám sát thực hiện.

Ðể thật sự tạo chuyển biến trong việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng cho các doanh nghiệp thì không thể chỉ Bộ Công thương hay EVN mà sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, địa phương liên quan. Tất nhiên cần phải có sự đồng bộ, ý thức, trách nhiệm trong quá trình thực thi công cụ, kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm khắc đối với những trường hơp vi phạm.

Tags:

0 Responses to “Thời gian thủ tục cấp điện được giảm tối đa”

Đăng nhận xét

Designed by Giang Truong