Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Nguy cơ ngập cao khi lấp kênh rạch



Một thành viên trong đoàn kiểm tra thực trạng san lấp kênh rạch do Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh chủ trì (đoàn kiểm tra) cho biết: “Qua kiểm tra, thực địa, chúng tôi nhận thấy có dự án chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng đã tiến hành san lấp kênh rạch”.




Chưa thỏa thuận cũng… lấp

Vào giữa tháng 11-2015, nhiều kênh rạch và đồng ruộng trũng đã được san lấp, tại một số dự án phát triển đô thị ở quận 9 và huyện Nhà Bè. Kết quả khảo sát của đoàn kiểm tra cho thấy, đây là hai địa phương có nhiều dự án phát triển đô thị có san lấp kênh rạch. Nhưng số dự án thực hiện xây hồ điều tiết thay thế không nhiều, thậm chí có dự án chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng đã tiến hành san lấp kênh rạch.

Đoàn kiểm tra đã thu thập được trong 48 dự án đã và đang tiến hành san lấp kênh rạch trên địa bàn thành phố, có đến 16 dự án chưa xây dựng hồ điều tiết và chín dự án chưa thực hiện hệ thống thoát nước theo quy định nhưng đã triển khai san lấp. Trong đó có hơn 23.000 m2 diện tích kênh rạch đã được san lấp nhưng chưa được thỏa thuận theo quy định.

Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Trọng Tuấn cho biết việc san lấp kênh rạch cần phải tính đến vấn đề ảnh hưởng tới dòng chảy. TP vẫn phát triển đô thị, nhà ở nhưng việc phát triển đó phải đảm bảo tính bền vững, tức là đảm bảo tiêu thoát nước tự nhiên, khơi thông dòng chảy.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, hiện nay Sở đang gửi dự thảo kết quả kiểm tra cho các đơn vị liên quan lấy ý kiến góp ý để hoàn chỉnh. Dự kiến trong tháng 11, Sở Xây dựng sẽ hoàn tất báo cáo để trình cho Ủy ban nhân dân thàh phố Hồ Chí Minh.

Là đơn vị quan liên quan được lấy ý kiến, trong công văn gửi Sở Xây dựng vào ngày 4-11, Trung tâm Chống ngập cho biết đơn vị hoàn toàn đồng ý với kết quả kiểm tra.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng thời gian qua thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp chống ngập nhưng tính bền vững chưa cao, hiệu quả còn hạn chế. Theo bà Tâm, tình hình lấp kênh rạch thật sự rất nghiêm trọng, đòi hỏi cần có giải pháp xử lý.

Ảnh hưởng lớn

Ông Hồ Long Phi, chuyên gia về chống ngập, cho biết ngay cả quy định thay thế diện tích san lấp bằng 1,2 lần diện tích hồ điều tiết cũng cần làm rõ hơn chứ không thể áp dụng chung chung được. “Vì chức năng của hồ điều tiết và kênh rạch không giống nhau. Do đó, phải đánh giá cụ thể cho từng dự án thông qua tính toán thủy lực thoát nước” - ông Phi giải thích.

Về mức độ ảnh hưởng của các dự án có san lấp kênh rạch, ông Phi cho rằng cần có cái nhìn tổng thể hơn. “Có thể đoạn kênh rạch được cho san lấp hiện không còn chức năng thoát nước và dự án không gây ngập úng ngay khu vực gần đó nhưng nó có thể sẽ ảnh hưởng đến thoát nước chung của lưu vực. Do đó, theo tôi cần đánh giá lại những tuyến kênh rạch được cho san lấp hiện nay” - ông Phi lập luận và nhấn mạnh thêm: “Cần ý thức rằng việc lấp bỏ kênh rạch có thể gây ra gánh nặng rất lớn cho ngân sách vì phải xây dựng hệ thống thoát nước hay hồ điều tiết để thay thế. Trong khi đó, có dự án hiệu quả có khi còn không bằng hệ thống thoát nước tự nhiên”.

“Theo quy hoạch thủy lợi chống ngập cho thành phố (Thủ tướng phê duyệt vào 2008), tổng diện tích điều tiết cần giữ lại của thành phố Hồ Chí Minh là 17% trên tổng diện tích tự nhiên (khoảng 35.000 ha). Trong khi đó diện tích mặt nước hiện nay của thành phố chưa đến 10.000 ha (chưa đến 5%). Điều đó cho thấy chúng ta đang thiếu diện tích điều tiết nước trầm trọng và phải hạn chế tối đa việc san lấp kênh rạch” - ông Hồ Long Phi cảnh báo.

Tags:

0 Responses to “Nguy cơ ngập cao khi lấp kênh rạch”

Đăng nhận xét

Designed by Giang Truong