Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Ô nhiễm sông, kênh, rạch..vẫn tiếp diễn

Tính đến năm 2015 Thành phố Hồ Chí Minh có 3268 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài lên tới 5000 km. Tuy nhiên đi kèm với đó là ô nhiễm nên vấn đề giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nước sông, rạch, kênh đang là điều đáng lưu tâm. 

Một vòng luẩn quẩn

Vừa qua, việc cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm đem lại môi trường mới cho 1,2 triệu dân sống ven bờ kênh. Tuy nhiên, một dòng kênh sạch chưa hẳn đã giữ được chất lượng nguồn nước, bởi các dòng kênh cả bẩn lẫn sạch luôn có sự lưu thông vào nhau. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một thí dụ về chuyện dòng nước vừa được thay một thời gian, nay lại tiếp tục “kêu cứu”. Anh Hùng ở phường Tân Định, quận 1 cho biết, trong năm nay, có vài lần cá chết nổi trên mặt sông làm nhiều người bất an. Nguyên nhân do nguồn nước ô nhiễm, nhưng ô nhiễm bắt nguồn từ đâu, câu trả lời thật khó.



Nguồn nước ở các kênh rạch ngày càng ô nhiễm


Chất lượng nước kênh rạch chịu tác động của các chất thải phát sinh từ các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn, với các nguồn thải chính bao gồm: nước thải sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi, y tế và nước thải từ các bãi rác. Một nguyên nhân không nhỏ góp phần gây ô nhiễm đó là hiện trạng các cống xả nước thải trực tiếp. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân còn thấp, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi ra kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng. Ngoài ra, sự phát triển đô thị nhanh chóng khiến cho hệ thống thoát nước thải đô thị trở nên quá tải, cộng với công tác quản lý môi trường của các ngành chức năng chưa hiệu quả, cũng khiến cho môi trường nước trên các sông, kênh, rạch bị ô nhiễm và ngày càng có chiều hướng tăng lên.

Tính chất của dòng chảy dễ dàng lưu thông nhau, khi một dòng kênh ô nhiễm thì nhiều dòng kênh khác sẽ chịu tác động. TS Nguyễn Thanh Phượng cùng Nhóm nghiên cứu hiện trạng và nguyên nhân ô nhiễm dòng sông TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thông từ các kênh ở quận Thủ Đức. Cụ thể, tại nhánh rạch đổ vào kênh Ba Bò là nơi trực tiếp tiếp nhận nước thải từ chợ nông sản Thủ Đức và các hộ dân chung quanh nên mức độ ô nhiễm cũng khá cao. Đối với khu vực rạch Bình Thọ, nguồn ô nhiễm một phần là nước thải thuộc khu vực phường Phước Long B, Quận 9 giáp ranh phường Trường Thọ, quận Thủ Đức”.

Giải đáp về sự suy giảm nghiêm trọng của chất lượng nguồn nước tuyến sông, kênh rạch, thạc sĩ Nguyễn Thị Trà My nhận định: “Các vị trí quan trắc nằm gần cửa sông có ô nhiễm hữu cơ thấp hơn so các vị trí quan trắc nằm ở sâu khu vực nội thành. Quan trắc kênh Rạch Ngựa, Tham Lương, Vàm Thuật là trục tiêu thoát nước thải của khu công nghiệp Tân Bình, khu dân cư Gò Vấp, Bình Thạnh ra sông Sài Gòn ô nhiễm khá cao”. Tình trạng ô nhiễm làm phát sinh hàng loạt dịch bệnh, gây nguy hại cho đời sống, sức khỏe.
Đâu là lời giải?

Thực trạng trên xuất phát từ những bất cập trong công tác quản lý kênh rạch. Tại thành phố hiện có bốn đầu mối quản lý. Khu quản lý thủy nội địa quản lý 112 tuyến, dài khoảng 975 km. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 2.247 tuyến, dài khoảng gần 3.000 km. Trung tâm chống ngập quản lý 680 tuyến, dài khoảng 845 km. Còn lại UBND các quận, huyện quản lý 229 tuyến, dài khoảng 331km. Các đầu mối trên chỉ quản lý khai thác, sử dụng và cấp phép xả thải ra sông, kênh rạch, còn chất lượng nguồn thải thì lại do Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến thực tế là Sở Tài nguyên và Môi trường không nắm rõ đối tượng xả thải vào nguồn nước, nên không thể lên kế hoạch thanh, kiểm tra định kỳ.

Ông Cao Tung Sơn, Phó Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết: “Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có quy định xử phạt nhưng chưa thể thực hiện được vì Luật không xác định rõ lực lượng có chức năng thanh kiểm tra và xử phạt…”. Một số nguyên nhân ô nhiễm khác phải được xem xét như: nước thải từ các cơ sở sản xuất nhỏ nằm xen lẫn trong các khu dân cư như sản xuất bún, dệt nhuộm thủ công, chế biến thực phẩm, nước thải nhà hàng, khách sạn, quán ăn quy mô nhỏ; nước thải rửa xe, trạm xăng; nước thải sản xuất nông nghiệp (chứa thuốc trừ sâu, phân bón); nước thải sinh hoạt do hoạt động các tàu thuyền trên sông; nước thải chợ, khu thương mại; nước thải nuôi trồng thủy sản… Đây là các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Trong giai đoạn hiện nay, tốc độ phát triển đô thị tăng nhanh kết hợp với việc nước thải và nước mưa chưa được tách dòng sẽ gây bất lợi cho công tác xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.



Ông Nguyễn Văn Phước, trưởng nhóm nghiên cứu hiện trạng ô nhiềm kênh, rạch TP Hồ Chí Minh, cho rằng để khắc phục tình trạng trên, “cần tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục… Tăng cường các biện pháp quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra các công trình xử lý nước thải sinh hoạt và sản xuất”. Mạng lưới sông ngòi và kênh rạch dày đặc góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, do đó cần phải ứng xử với môi trường cho đúng những giá trị lợi ích mà kênh, rạch đem lại. Thành phố có được bề thế như hôm nay bởi có nhiều sông chảy trong lòng!”.

Tags:

0 Responses to “Ô nhiễm sông, kênh, rạch..vẫn tiếp diễn”

Đăng nhận xét

Designed by Giang Truong