Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

khu du lịch sinh thái biến thành bã tập kết rác



Dự án "du lịch sinh thái" với quy mô hàng chục nghìn mét vuông đất bị bỏ hoang suốt 5 năm, nay lại biến thành nơi tập kết nhựa phế thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Dự án Trung tâm du lịch sinh thái Hồng Hà của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Thương mại Hồng Hà, đóng trên địa bàn thôn Xuân Đào, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đang gây bức xúc cho dư luận.




* Bãi hoang chứa phế thải gây ô nhiễm

Chính quyền xã Lương Tài cho biết mặt bằng dự án trên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Thương mại Hồng Hà có diện tích hơn 3,2 ha vốn là khu vườn cây của thôn Xuân Đào từ những năm 1960 dưới mô hình hợp tác xã tập trung. Đến năm 2006, do vườn cây già cỗi không cho hiệu quả kinh tế, chính quyền xã Lương Tài đề nghị tỉnh Hưng Yên thu hồi diện tích đất trên giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Thương mại Hồng Hà. Sau đó, doanh nghiệp này được cấp phép với nội dung dự án "Trung tâm du lịch sinh thái". Cán bộ và nhân dân xã Lương tài rất phấn khởi vì đây là chủ trương đúng vừa đảm bảo môi trường, vừa tăng thu nhập kinh tế. Từ khi được cấp phép năm 2010 đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Thương mại Hồng Hà không thực hiện dự án. Toàn bộ khu đất hơn 3 ha bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Được cấp phép đã 5 năm  nhưng dự án vẫn đắp chiếu gây lãng phí đất, trong thời gian gần đây, bà con địa phương phát hiện thấy mỗi ngày có hàng chục xe chở phế liệu nhựa vào khu vực dự án. Bãi chứa phế liệu cứ ngày một rộng và phình to ra, với hàng nghìn mét khối nilon phế thải. Theo phản ánh của người dân thôn Bến và thôn Xuân Đào, lượng nilon phế thải trong bãi tập kết lên tới 3 nghìn khối, nếu không sớm xử lý sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất vì bãi phế liệu nằm ngay giữa khu dân cư của 3 thôn: Bến, Lương Tài, Xuân Đào và ngay cạnh các trường học, trạm y tế.

Nhân dân đã có đơn kiến nghị chính quyền xã Lương Tài báo cáo lên huyện, tỉnh và các ngành chức năng để xử lý vụ việc trên, tránh những hậu quả đáng tiếc mà người dân phải hứng chịu. Nhiều người bức xúc cho rằng, nếu không kiên quyết xử lý thì bãi phế liệu sẽ gây ô nhiễm không kém gì các làng nghề ở xung quanh địa bàn như: khói của làng chì Đông Mai (xã Chỉ Đạo), chất thải của làng tái chế nhựa phế thải Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh)...

Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên đã tiến hành kiểm tra khu đất của dự án  sau khi nhận đucợ phản ánh của người dân và xác định: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Thương mại Hồng Hà có tập kết khoảng 400 tấn phế thải nilon để tái sử dụng. Sở này cũng đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, yêu cầu Công ty dừng tập kết phế thải, đồng thời vận chuyển toàn bộ phế thải ra khỏi khu đất đã được thuê theo quy định.

* Cố tình làm sai ?

Theo người dân thôn Xuân Đào, việc biến khu đất của dự án du lịch sinh thái thành nơi tập kết phế liệu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Thương mại Hồng Hà là có sự "lách luật" theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó". Từ tháng 4/2015, Công ty lập hồ sơ xin chuyển đổi mục đích từ dự án Trung tâm du lịch sinh thái Hồng Hà sang dự án Nhà máy sản xuất nhựa Hồng Hà. Tháng 6/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã xem xét hồ sơ xin chuyển đổi mục đích dự án của doanh nghiệp và đã ra Thông báo số 108/TB-UBND (ngày 4/6/2015). Trong đó, tỉnh đã đồng ý về chủ trương để Công ty được điều chỉnh mục tiêu dự án, với mục tiêu là: sản xuất các sản phẩm nhựa (sản xuất từ hạt nhựa nguyên sinh, không sử dụng nhựa tái chế) với quy mô 20 nghìn tấn sản phẩm/năm.

Tuy nhiên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Thương mại Hồng Hà đã không thực hiện dự án như đã đăng ký, mà tiến hành tập kết nhựa phế thải như đã nói trên. Mặt khác, theo người dân, việc xây dựng Nhà máy nhựa ngay giữa khu dân cư là bất hợp lý, dù là nhựa sạch. Ủy ban nhân dân xã Lương Tài cũng đã báo cáo và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh rằng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Thương mại Hồng Hà có diện tích liền kề với 3 thôn gồm: Xuân Đào, Bến, Lương Tài cùng các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế, bưu điện và trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Việc điều chỉnh mục tiêu dự án sang Nhà máy sản xuất nhựa là không phù hợp. Mặt khác, hiện nay, Công ty tập kết khoảng 3 nghìn m3 nilon phế thải là không đúng với Thông báo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Xã Lương Tài đề nghị tỉnh điều chuyển mục tiêu dự án sang lĩnh vực ngành nghề khác, nhằm giải quyết lao động của địa phương, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trước phản ánh của chính quyền và nhân dân xã Lương Tài, căn cứ báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân huyện Văn Lâm về dự án trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng đã có Công văn số 1312 (ngày 31/7/2015) khẳng định: Việc tập kết phế liệu khoảng 400 tấn tại địa điểm được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án Trung tâm du lịch sinh thái tại thôn Xuân Đào, xã Lương Tài là vi phạm; không thực hiện đúng mục tiêu dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân. Do đó, tỉnh quyết định dừng thực hiện dự án Nhà máy sản xuất nhựa Hồng Hà đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận tại Thông báo số 108 (ngày 4/6/2015) của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong Công văn, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Công ty dừng ngay việc tập kết phế liệu, đồng thời vận chuyển toàn bộ khối lượng phế liệu hiện có ra khỏi tỉnh Hưng Yên trước ngày 15/8/2015.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Thương mại Hồng Hà vẫn chưa có động tĩnh và dấu hiệu nào cho thấy thực hiện di chuyển toàn bộ phế liệu ra khỏi địa bàn Hưng Yên theo yêu cầu tại Công văn 1312 (ngày 31/7/2015) của Ủy ban nhân dân tỉnh mặc cho thời hạn ngày 15/8 đã quá gần 1 tháng. Để hoang hàng chục nghìn m2 đất trong 5 năm rồi "biến tướng" thành điểm tập kết phế thải, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Thương mại Hồng Hà đã không chỉ vi phạm về bảo vệ môi trường mà còn vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai. Dư luận nhân dân xã Lương Tài mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra nhằm phát hiện vi phạm và nghiêm túc xử lý theo quy định của pháp luật..

Tags: ,

0 Responses to “khu du lịch sinh thái biến thành bã tập kết rác”

Đăng nhận xét

Designed by Giang Truong